Biến sân thượng cũ thành vườn đẹp như tranh

HẢI PHÒNGChị Bùi Bích Ngọc dành ba tháng để cải tạo sân thượng lổn nhổn gạch và mái tôn đã xỉn màu, biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng tại gia.

Cuối tháng 7, chị Ngọc lên sân thượng sửa téc nước hỏng, chợt nhận ra đang lãng phí diện tích lớn có sẵn. Chị quyết định cải tạo khu vực này.

Sân thượng 60 m2, khoảng 20 m2 có mái che, chủ vườn sửa thành chỗ thư giãn, phần không gian không có mái che dùng trồng các loại hoa và rau quả.

“Tôi dựa vào kết cấu tường và xà chịu lực để tránh làm nứt mái và quản lý tốt nguồn nước tưới, không để nước thừa, đọng ngấm vào trần nhà”, chị nói. Tổng chi phí mua nguyên vật liệu và đồ trang trí khoảng 30 triệu đồng.

Chị biến chiếc giường hỏng ở góc sân thượng thành bàn ghế tiếp khách, khung giường thành decor cây xanh… Ngoài ra, các vật dụng được chọn mua ưu tiên tiện dụng, nhỏ gọn để dễ mang vác, vì cầu thang chật hẹp.

Ban đầu, chị Ngọc trồng cây bằng chậu nhựa. Sau một tháng phơi nắng gió, chậu bạc mầu, vỡ vụn. Bà chủ vườn quyết định mua gỗ pallet về đóng thùng gỗ vừa đẹp, vừa thân thiện với môi trường.

Lần đầu tự làm mộc, mọi thứ đều bỡ ngỡ chị Ngọc thậm chí không biết cách lắp mũi khoan. “Sau một tháng tôi đen nhẻm nhưng thành thạo mọi việc, chồng con trêu là nông dân chính hiệu”, chị kể. Sân không có lan can nên chị đóng các thùng gỗ cao đặt ở rìa làm tường.

Hai con 11 tuổi và 13 tuổi của chị đang nghỉ học do dịch nên phụ mẹ sơn tường, vẽ tranh, tô chữ. Chồng chị ban đầu không ủng hộ khi thấy ba mẹ con hì hụi từ sáng đến trưa nhưng khi từng góc sân thượng đẹp dần lên, anh đổi ý, xắn tay phụ giúp.

Bức tranh xương rồng trên cánh cửa là sản phẩm của chị Ngọc và hai con gái. Chị trồng cây theo nhu cầu cần sáng của từng loại. Khu vực có mái che trồng vạn niên thanh, thanh xuân, trầu bà lá xẻ… Tiếp giáp là nơi ít ánh sáng, trồng cúc họa mi, hương thảo, đồng tiền và các cây rau, hoa cải.

Nơi có nhiều ánh nắng, chị ưu tiên trồng cây có dây leo như dưa lưới, dưa chuột, mướp đắng. Hết mùa mướp đắng, Ngọc trồng cà chua bạch tuộc. Chị chọn cây có độ cao khác nhau đan xen để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Ngô trồng được một tháng rưỡi, có bộ lá xanh tốt. Để rau cỏ, hoa lá trong vườn phát triển, chị ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ gồm rau, vỏ hoa quả, vỏ trứng, bã cà phê. Bà chủ vườn rải một lớp rác hữu cơ đã hoai ở đáy chậu để vừa thoát nước tốt, vừa tạo dinh dưỡng cho cây.

Trên vườn cũng đặt một thùng gom lá cây úa rụng, các gốc cây hết mùa cắt bỏ để ủ mục tạo dinh dưỡng cho đất. Cứ cuối tuần chị lại đạp xe đi khắp phố xin vỏ trứng ở các cửa hàng bánh mì, bánh ngọt, phơi khô bóp nhỏ tích trữ để bón trộn, bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Có “khu vườn trên mây” cuộc sống gia đình chị Ngọc thay đổi lớn. Lũ trẻ hào hứng ăn rau hơn khi biết tự tay mẹ trồng và có công mình chăm sóc. Trong bữa ăn, các con hồ hởi kể sự thay đổi của từng nhánh hoa trong vườn.

Mỗi cuối tuần, vườn nhà chị lại là nơi để gia đình, bạn bè tụ họp. “Dịch bệnh khiến công việc của tôi phải tạm ngừng, khá áp lực. Khu vườn là nơi tôi có thêm nguồn năng lượng tích cực để vui sống mỗi ngày”, chị nói.

Phạm Nga
Ảnh nhân vật cung cấp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *