Chi không ít tiền thuê thiết kế nhưng nhiều gia chủ Việt vẫn nhận về ngôi nhà nhiều lỗi, khó chịu khi sử dụng và kém thẩm mỹ vì 4 sai lầm sau đây.
Chọn nhầm đơn vị thiết kế – thi công
Theo kiến trúc sư Lê Hưng Trọng, người sáng lập kiêm điều hành một văn phòng thiết kế kiến trúc ở TP HCM, chọn nhầm đơn vị thiết kế – thi công là lỗi sai đầu tiên khiến gia chủ không có căn nhà như ý.
Ngày nay, thị trường có vô số đơn vị có thể làm được việc này song không phải văn phòng nào cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu và mong muốn của gia chủ. Đơn cử, nếu là người yêu cầu cao, bạn không nên tìm đến những đơn vị non trẻ với phí thiết kế rẻ.
Chưa kể, nhiều văn phòng chạy theo doanh thu, không có đủ nhân sự chuyên môn cao để làm việc với khách hàng, KTS Trọng lưu ý.
Trên thực tế, rất ít đơn vị thiết kế – thi công “tốt toàn diện”. Mỗi nơi thường có thế mạnh riêng. Theo kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Minh (Hà Nội), một văn phòng chuyên làm nhà phong cách tân cổ điển chưa chắc đã làm tốt những công trình tối giản. Việc đưa đề bài không đúng thế mạnh của nhà thiết kế có thể khiến kết quả không như ý muốn của gia chủ.
Tốt nhất, trước khi lựa chọn thiết kế, gia chủ nên tìm hiểu trước quy trình làm việc cũng như các công trình mà đơn vị đó đã thực hiện xem có phù hợp với mình không.
Không biết rõ nhu cầu, mong muốn của mình
Nếu gia chủ không xác định được mình muốn gì với tổ ấm và kiên định với nó, kiến trúc sư khó tạo ra công trình phù hợp. Trong quá trình làm nhà, gia chủ rất dễ bị lung lay bởi ý kiến người ngoài và yêu cầu sửa đổi bản vẽ nhiều lần, vừa tốn thời gian vừa chưa chắc đảm bảo thẩm mỹ, kỹ thuật.
Theo kiến trúc sư Trọng, gia chủ và kiến trúc sư cũng cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa nhu cầu và mong muốn. “Nhu cầu là những gì thiết yếu, xác đáng còn mong muốn là những thứ yêu thích, thêm vào sau”, ông Trọng giải thích.
Như vậy, thiết kế nhà cần đáp ứng nhu cầu của gia chủ và cân nhắc các mong muốn dựa trên điều kiện không gian, tài chính.
Nhu cầu và mong muốn cần được thống nhất giữa các thành viên gia đình chủ nhà và đưa cho kiến trúc sư ngay từ đầu.
Áp đặt kiến trúc sư
Gia chủ là người sử dụng căn nhà nhiều nhất nên tất nhiên có quyền đưa ra ý kiến của mình. Tuy nhiên, không phải gia chủ nào cũng có kiến thức về kiến trúc, nội thất. Một số người thậm chí cho rằng kiến trúc sư không đủ trải nghiệm như mình nên áp đặt người thiết kế làm theo ý mình.
“Chủ nhà có thể đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ nhưng đó chỉ là trải nghiệm cá nhân. Họ không được đào tạo về chuyên môn, không biết vị trí địa lý ở chỗ mình đi như thế nào, cũng không hiểu thời tiết nơi đó tác động đến vật liệu và chất cảm ra sao”, kiến trúc sư Nguyễn Việt Linh, sáng lập văn phòng thiết kế Indust Design nhận định. Không ít lần, ông nhận được yêu cầu thiết kế nhà như resort mà gia chủ ở lúc du lịch nước ngoài, trong khi khí hậu nơi đó toàn toàn khác so với Việt Nam.
Kiến trúc sư Trọng thì gặp trường hợp gia chủ đòi làm tủ quần áo chỉ sâu 400-450 mm cho dù kích thước tiêu chuẩn là 550-600 mm. Nguyên nhân do gia chủ từng thấy loại tủ như vậy khi du lịch Singapore và Nhật Bản mà không nhận ra hai nước này đều “đất chật người đông” còn ngôi nhà người đó định xây không hề nhỏ.
“Trải nghiệm cá nhân là cần thiết nhưng nếu không có chuyên môn thì đừng biến trải nghiệm của mình thành tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn thiết kế đều được quy định trong sách chuyên ngành”, ông Trọng nói.
Tự ý sửa thiết kế
“Cứ 10 chủ nhà thì có đến 5-6 người tự sửa thiết kế”, kiến trúc sư Việt Linh cho biết. Điều này có thể do gia chủ không hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của mình, từ đó bị ảnh hưởng từ người ngoài (như nhà thầu, đội thợ thi công) hoặc do gia chủ quá đề cao bản thân.
Mỗi bản thiết kế đều đòi hỏi chất xám, thời gian nghiên cứu của kiến trúc sư. Tự ý sửa theo những ý của người thiếu chuyên môn sẽ dẫn đến những rắc rối mà gia chủ khó ngờ tới. Ví dụ, một số chủ nhà nâng chiều cao bậc thang mà không hỏi kiến trúc sư, khiến việc di chuyển của họ trở nên nặng nề, khó khăn.
Ngoài việc sửa thiết kế, nhiều gia chủ còn tự ý thay đổi vật liệu. Ví dụ, một gia chủ từng làm việc với kiến trúc sư Việt Linh chê vật liệu sàn mà đơn vị thiết kế tư vấn đắt và đổi sang loại “cùng bề mặt, màu sắc mà rẻ hơn” do người quen cung cấp. “Cuối cùng, họ phát hiện đó là sản phẩm nhái không đảm bảo chất lượng, chưa dùng đã hỏng nên phải thay”, kiến trúc sư Linh kể.
“Thực ra đơn vị thiết kế – thi công nào cũng sợ phải bảo hành nên thường tư vấn đồ tốt cho khách ngay từ đầu”, ông Linh nói thêm.
Để có căn nhà đẹp, gia chủ nên tin tưởng văn phòng thiết kế – thi công mà mình đã lựa chọn và tôn trọng thiết kế của họ. Nếu có thắc mắc, hãy thẳng thắn trao đổi với kiến trúc sư, tránh nghe ý kiến từ người ngoài và tự ý sửa đổi.