Lấy lý do “theo phong thủy”, không ít người đưa ra những quan điểm mê tín dị đoan trong việc treo gương bát quái.
Họ cho rằng gương bát quái là một pháp khí phong thủy hội tụ năm nguyên tố phong thủy, sơ đồ Lạc Thư, sơ đồ bát quái nên được sử dụng để khắc phục, bảo vệ hoặc hóa giải xung sát cho những ngôi nhà hướng xấu, như nhà ở gần nghĩa địa, đường xe lửa, cầu vượt, ngã tư hoặc nơi có cây lớn (gây ảnh hưởng về sức khỏe, tiền tài, sự nghiệp).
Thực tế, gương bát quái cũng như các loại tượng con giáp, tỳ hưu, tiền ngũ đế, hồ lô đồng, thủy tinh cầu, thất tinh trận, ngọc như ý, tháp văn xương, phong thủy luân, nghê đồng, cóc thiềm thừ, muối phong thủy, bột trừ tà, bột tẩy uế không phải là pháp khí phong thủy.
Không có một ghi chép chính thống nào về nguồn gốc của gương bát quái. Dân gian cho rằng nhiều đạo sĩ thời cổ đại thường sử dụng một miếng gỗ thân cây đào có tám cạnh, bào nhẵn hai mặt, trên đó khắc 8 quẻ dịch đại diện cho 8 hướng của vũ trụ (hoặc dùng kiếm bằng gỗ cây đào) trong khi tu luyện.
Đạo sĩ đắc đạo thường dùng hai loại “vũ khí” này hoặc cây phất trần để hàng phục yêu ma, cầu đảo. Miếng gỗ thân cây đào nhờ “thần lực” của đạo sĩ mà trở nên nổi tiếng. Gọi là bát quái do trên mặt miếng gỗ có khắc hình tám quẻ dịch (gọi là gương thái cực khi trên mặt khắc hình nhật nguyệt). Sức mạnh của gương bát quái thực chất là pháp lực do đạo sĩ tu hành mà có.
Ở thời hiện đại, gương bát quái được làm bằng thủy tinh hoặc kim loại, trang trí theo một số quan niệm dân gian, kiểu dáng cũng khá phong phú đa dạng, có giá trị nghệ thuật – trang trí cao.
Gương bát quái ngày nay chỉ là một loại đồ vật có khả năng phản quang hoặc tụ quang (nếu được sản xuất như một thấu kính hội tụ), vì vậy cần sử dụng như gương (kính) trong trang trí nội thất, ngoại thất.
Gương bát quái không có khả năng hóa sát, trừ tà, trấn trạch, sinh vượng; cũng không có khả năng gây tổn hại cho hàng xóm. Trường hợp cần giải quyết yếu tố tâm lý cũng có thể vận dụng. Chẳng hạn, đối với những dương trạch phạm xuyên tâm sát, trực xung sát, thiên nhận sát, thiên trảm sát, quang sát, xạ tiễn sát… sau khi đã xử lý hóa sát theo nguyên lý phong thủy, có thể treo một gương bát quái để “làm phép”.
Khi mua và treo cần lưu ý rằng gương bát quái “chuẩn” bao giờ cũng khắc quẻ Càn ở phía trên, tức là ở đầu của con cá trắng trong hình thái cực; quẻ Khôn khắc ở phía dưới, tức là ở đầu con cá đen. Nhà, cửa ở bất kỳ hướng nào cũng phải treo gương đúng trời trên đất dưới, tức là quẻ Càn (ở vị trí mắt con cá trắng) và quẻ Khôn (ở vị trí mắt con cá đen) cùng nằm trên một đường thẳng. Mọi chế tác mới về gương bát quái, các quẻ và hình vẽ không đúng vị trí đều không nên dùng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải